JS

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

VỀ TRẬN KIEV 1941


Khi lực lượng Hồng quân phòng thủ tại Kiev đang đứng trước nguy cơ bị hợp vây bởi Các Tập đoàn quân xe tăng 1 và 2 của tướng Von Kleist và tướng Guderian, Tư lệnh phương diện quân Tây Nam của Liên Xô là tướng Kirponos đã đề nghị rút lui, tuy nhiên, Bộ Tổng Tư lệnh Hồng quân STAVKA lại do dự. Họ vẫn hi vọng chặn đứng xe tăng của Guderian để cứu được Kiev. 

Một cuộc tranh cãi chiến lược nổ ra khi Kirponos và các cấp trên là Nguyên soái Zhukov (Lúc này vẫn là Đại tướng – Tổng Tham mưu trưởng quân đội Liên Xô) và Nguyên soái Budiony muốn sơ tán Kiev, rút quân về phía Đông để chống lại lực lượng quân Đức đang đe dọa hậu phương quân Liên Xô. Nhưng Stalin và STAVKA không muốn bỏ Kiev – thủ đô của nước Cộng hòa Ukraine. Đêm 29 tháng 7 năm 1941, trong một cuộc tranh luận nảy lửa, Stalin gọi chủ trương bỏ Kiev để giữ quân đội của Zhukov là hồ đồ. Với cá tính bộc trực, Zhukov coi thái độ của Stalin là sự phủ định đối với tri thức, kinh nghiệm của bao nhiêu người trong Bộ Tổng Tham mưu. Không chấp nhận cách phủ định đó, Zhukov đề nghị được thôi giữ chức vụ Tổng tham mưu trưởng và xuống chỉ huy các đơn vị đang chiến đấu. Sau đó Zhukov được phái xuống làm Tư lệnh Phương diện quân dự bị ở Yelnya. Budiony cũng bị cho thôi chức, thay vào đó là Nguyên soái Timoshenko.

Việc rút quân ra khỏi Kiev không được sự cho phép của Stalin và STAVKA. Và do đó, thay vì rút quân ra khỏi “tử địa” Kiev, quân tăng viện lại được gửi thêm tới đây để phòng thủ thành phố.

Khi xe tăng của Von Kleist bất ngờ vượt qua được Kremenchug, tình hình xấu đi nhanh chóng. Không gì cản nổi bước tiến của xe tăng Đức. Nguy cơ bị bao vây đã hiện hữu rõ ràng với Phương diện quân Tây Nam của Liên Xô ở Kiev. Tướng Kirponos một lần nữa đề nghị rút lui trước khi bị bao vây hoàn toàn, nhưng vẫn không được chấp thuận bởi STAVKA.

Các phán đoán về cuộc bao vây đã trở thành sự thật vào ngày 14 tháng 9 năm 1941, khi các Tapạ đoàn quân xe tăng 1 và 2 của Đức gặp nhau tại Lokhvytsia. Thế là 532.000 Hồng quân đã mắc kẹt trong vòng vây của quân Đức.

Hai ngày sau, một đại tá NKVD được sự ủy quyền của STAVKA bay tới Kiev để đưa Kirponos mệnh lệnh mới. Cuối cùng, Kirponos cũng được phép rút lui, nhưng đã quá muộn vì quân của ông đã nằm gọn trong vòng vây. Tuy nhiên, Kirponos lại tỏ ra hoài nghi bởi mệnh lệnh mới lại trái với chỉ thị của Stalin về Kiev. Kirponos biết rằng một số tướng lĩnh khác đã phải ra tòa án binh vì mắc sai lầm trong tình huống tương tự. Việc rút một Phương diện quân với nửa triệu người cùng toàn bộ khí tài mà không được sự cho phép của đích thân Stalin sẽ dẫn đến việc chính Kirponos và Bộ Tổng Tham mưu Phương diện quân, các Tư lệnh, Tham mưu và Chính ủy của các Tập đoàn quân dưới quyền sẽ bị xử bắn cả thảy. Tướng Kirponos đề nghị xác nhận viết tay có chữ kí của Stalin, và thề không rời khỏi Kiev mà không có nó.

Giấy xác nhận của Stavka tới vào đêm ngày 17 tháng 9. Ngay lập tức, tướng Kirponos ra lệnh rút toàn bộ lực lượng quân đội Liên Xô ra khỏi Kiev. 2 ngày sau, quân Đức tiến vào Thủ đô Ukraine. Thành phố Kiev thất thủ.

Phương diện quân Tây Nam dưới sự chỉ huy của Kirponos tiếp tục chiến đấu, hy vọng phá vây, nhưng bất thành. Sau 5 ngày giao tranh, lực lượng của Phương diện quân bị chia cắt, quân Đức khép chặt vòng vây.

Các đơn vị Hồng quân tiếp tục anh dũng bám trụ chừng 10 ngày, đẩy lùi nhiều đợt xung phong của quân Đức. Nhưng họ đã bị bao vây chặt, bị tiến công từ mọi hướng, không được tăng viện hay tiếp tế về đạn dược, lương thực và đã trở nên rệu rã.

Trước tình hình đó, các chỉ huy chủ trương xé các đơn vị Hồng thành các nhóm nhỏ, tìm đường về phía Đông, xuyên qua vòng vây của quân Đức. Họ bị săn đuổi trong các khe rãnh và rừng rậm bởi các đại đội bộ binh Đức và xe tăng. 

Kết quả của trận Kiev đã trở thành thảm họa của Hồng quân : hơn nửa triệu binh sĩ hy sinh hoặc bị bắt làm tù binh, chỉ có khoảng 20.000 người chạy thoát khỏi vòng vây đẫm máu. Bản thân tướng Kirponos cùng với hầu hết Bộ Tham mưu và các chính ủy của ông cũng đã hy sinh khi dẫn dắt anh em binh sĩ đánh phá vây.

Đại tướng Đức Guderian đã mô tả trận Kiev là một thành công chiến thuật vĩ đại. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là một đòn đánh chí tử hạ gục người Nga. Liên Xô vẫn còn mạnh, khó có thể đánh bại trong một sớm một chiều. Và mùa đông thì lại đang đến gần. Thời gian của người Đức đang hết.

Ít ra thì các cuộc giao tranh tại Kiev đã giúp kìm chân quân chủ lực tinh nhuệ của Hitler trong vòng 2 tháng, tiêu hao thời gian và nguồn lực của quân Đức, góp phần làm phá sản kế hoạch Barbarossa và làm chậm lại cuộc tấn công Moskva của địch, giúp cho Liên Xô có thêm thời gian để huy động lực lượng dự bị từ phía Đông đến và rút quân từ Leningrad về để tăng cường, chuẩn bị cho một trận đọ sức quyết định sắp diễn ra : Moskva.

1 nhận xét:

  1. Nếu chịu rút quân sớm thì quân ĐỨc khó có thể mò đến gần ngoại vi Maskva như vậy được

    Trả lờiXóa