Khi đã sa lầy quá lâu ở Đông Dương, kế hoạch Navarre về cơ bản đã phá sản, Pháp muốn chơi một canh bạc cuối cùng ở Điện Biên Phủ, hy vọng giành được thắng lợi quyết định, kết thúc chiến tranh với một giải pháp có lợi cho Pháp. Điện Biên Phủ được xem là ván bài sinh tử, quyết định kết quả của toàn cuộc chiến.
Người Pháp muốn tái hiện một trận đánh tương tự như trận Verdun huyền thoại hồi Thế chiến thứ nhất. Cả Pháp và Mỹ đều coi Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm”. Giới chỉ huy Pháp thách tướng Giáp đưa quân đến giao chiến ở Điện Biên Phủ, huênh hoang là sẽ “nghiền nát chủ lực Việt Minh” tại đó. Chỉ huy pháo binh của tập đoàn cứ điểm, Trung tá pháo binh Charles Piroth vốn là một sĩ quan dày dạn kinh nghiệm, từng chiến đấu chống Phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai. Ông ta trịnh trọng tuyên bố với Đại tướng Navarre : “Không có khẩu đại bác nào của Việt Minh bắn được ba phát mà không bị pháo binh của chúng ta tiêu diệt.”
Nhưng người Pháp đã nhầm. Họ đã quá tự tin vào sức đề kháng của Điện Biên Phủ mà coi thường địch thủ của họ. Sĩ quan đến lính tráng đều phè phỡn ở Điện Biên Phủ. Có nằm mơ cũng không ai lại có thể nghĩ rằng Việt Minh có thể mang những cỗ trọng pháo 105mm lên núi cao bằng cách thô sơ nhất : kéo pháo, rồi từ trên đó nã thẳng xuống đầu lính Pháp. Không có máy bay, xe cộ lại ít, ai cũng nghĩ Việt Minh không thể nào đưa được pháo đến tận vùng Tây Bắc. Mà nếu bọn họ đến, người Pháp cũng sẽ dễ dàng đè bẹp, bởi họ có trong tay lực lượng pháo binh hùng hậu, trang bị hiện đại hơn nhiều. Cả khi Việt Minh bắn pháo được, họ cũng khó có khả năng tiếp tế đầy đủ đạn dược cho pháo của họ để gây khó khăn thật sự cho Pháp. (ta nên nhớ, pháo binh Pháp rất nổi tiếng, Napoléon cũng xuất thân từ sĩ quan pháo binh mà lên)
Thực tế cho thấy người Pháp đã nhầm. Piroth hay De Castries không thể ngờ rằng, lính pháo Việt Minh tuy kinh nghiệm còn ít nhưng vô cùng thông minh. Với vốn liếng ít ỏi, họ đã chuẩn bị chiến đấu và bảo vệ pháo rất chu đáo. Biết rằng Pháp có máy bay trinh sát, có lực lượng pháo mạnh nên bộ đội Việt Nam đã khoét các hầm vào lòng núi để làm công sự cho pháo chiến đấu, sau đó ngụy trang kỹ bên ngoài trận địa. Do đó, khi các khẩu pháo đã yên vị trong công sự, nòng hướng vào cứ điểm của Pháp trong thung lũng mà người Pháp chẳng mảy may biết. Tướng Giáp tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “phân tán hỏa khí, tập trung hỏa lực”. Ông cho đặt các khẩu pháo 105 mm rải rác khắp các ngọn núi xung quanh thung lũng. Việc đặt pháo phân tán và làm hầm cho pháo nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể có khi bị đối phương phản pháo. Bên cạnh đó, cùng lúc pháo bắn, tại các trận địa giả, pháo binh của ta cho nổ bộc phá tạo ra các ánh chớp khiến quân địch lầm tưởng là chớp lửa đầu nòng của pháo.
Cách làm như thế tuy đơn giản nhưng đã mang lại hiệu quả cao. Khi chiến sự nổ ra, quân Pháp tỏ ra hoàn toàn bất ngờ, đến mức hoảng loạn bởi pháo Việt Minh trên cao bắn tới tấp vào các vị trí của họ, vốn được bố trí dưới thung lũng, phơi mình ra trước hỏa lực đối phương. Qua quan sát những loạt pháo, Piroth vốn là tay lão luyện đã nhanh chóng đếm được số lượng các khẩu pháo của Việt Minh, nhưng không tài nào biết rõ được những khẩu pháo ấy nằm ở đâu để cho phản pháo. Piroth bắt đầu hoảng loạn, khi đã dùng mọi cách nhưng vẫn không bịt họng được pháo Việt Minh, mà ngược lại còn bị phản pháo một cách chính xác vào trận địa. Cảm thấy bất lực và hổ thẹn, ông ta dùng lựu đạn tự sát trong hầm chỉ huy, chỉ 2 ngày sau khi trận đánh bắt đầu. (ai bảo chém gió)
Quân Pháp tại Điện Biên Phủ dốc toàn lực ra kháng cự, nhưng dần dần thất thế. Pháo binh thiệt hại nặng. Lương thực, nước uống, đạn dược cạn dần, tiếp tế bằng đường không bị cắt đứt. Vài người dũng cảm bò ra khỏi chiến hào đi lấy nước suối thì bị lính bắn tỉa Việt Minh phục kích tiêu diệt. Binh lính Pháp chỉ còn cách là ngồi chờ bị tấn công. Để hạn chế thương vong khi tiến công, tướng Giáp sử dụng chiến thuật “đào hào vây lấn”, khiến quân Pháp không còn đường thoát. Vòng vây Điện Biên Phủ mỗi lúc một siết chặt, làm thành chiếc thòng lọng tròng vào cổ quân đồn trú.
Ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” được cắm trên nóc hầm chỉ huy của De Castries. Viên tướng này cùng với Bộ Tham mưu quyết định ra đầu hàng. Sự kiện này đã đánh dấu sự sụp đổ của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Trận Điện Biên Phủ đã xoay chuyển hoàn toàn cục diện của cuộc chiến tranh Đông Dương. Thảm bại tại Điện Biên Phủ, ý chí xâm lược của Pháp hoàn toàn tiêu tan. Sau nhiều năm chiến đấu, Pháp không thể bình định Đông Dương mà trái lại phải nhận nhiều thất bại nặng nề. Họ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.
Trận Điện Biên Phủ cũng là lần đầu tiên mà quân đội của một dân tộc “nhược tiểu” với những anh nông dân, công nhân cầm súng đánh bại được một lực lượng quân sự hùng hậu, hiện đại, thiện chiến, vượt trội hơn về mọi mặt của một cường quốc phương Tây trong một trận đánh mang tính chất quyết định. Đó là một đòn giáng mạnh vào các nước thực dân phương Tây. Được cổ vũ bởi sự kiện này, các nước thuộc địa đồng loạt nổi dậy đấu tranh giành độc lập trên khắp thế giới, dẫn đến sự ra đời của hàng loạt quốc gia độc lập ở châu Phi và Mỹ - Latinh. Nỗ lực tái gây dựng thuộc địa của các nước thực dân sau Thế chiến thứ hai hoàn toàn thất bại, qua đó chấm dứt thời đại hơn 400 năm của chủ nghĩa thực dân kiểu cổ điển trên thế giới.
Ai nói rằng dân tộc này chưa đóng góp gì cho thế giới ?
Ý nghĩa của ngày 7 tháng 5 là như thế, chứ không phải là quốc tế tỏ tình hay ngỏ lời cc gì.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét